Làng Minh Hương - Huỳnh Ngọc Trảng
Saturday, 3. January 2009, 10:14:41
Sử liệu ghi sự kiện 1679 Dương Ngạn Địch và Trần Thắng Tì “đem binh và gia quyến trên 3000 người, chiến thuyền hơn 50 chiếc” được đến định cư ở Mỹ Tho và “địa phương Bàn Lăng” ở xứ Đồng Nai; và xa xôi hơn, ở tận Hà Tiên, Mạc Cửu cũng tập trung một nhóm người Hoa khác và sau đó thống thuộc vào bản đồ năm 1714. Ba cụm dân cư người Hoa này ở ba xứ và chẳng thấy tài liệu nào nói về việc người Hoa nhập cư ở vùng Phiên Trấn – Bến Nghé – Sài Gòn, nhưng thực tế cho thấy rằng năm 1698 ở đây đã có một số lượng người Hoa để có thể lập nên xã Minh Hương.
Minh Hương thoạt đầu, từ “hương” có nghĩa là “thơm”, đến năm 1827 đổi thành Minh Hương, với từ “hương” có nghĩa là “làng” hiểu là “làng của người Minh” và cũng hiểu là “làng sáng sủa”. Từ Gia Thạnh đường đến Minh Hương khiến cho chúng ta hiểu rằng việc đổi từ hương/thơm đến hương/làng là bước khẳng định sự tiến hóa của cộng đồng di dân người Hoa này đã hội nhập vào thể chế làng, thôn Việt cũng như đã xác lập tính chất tổng hợp chủng tộc và văn hóa Việt và Hoa. Đây là kết quả của sự “kiểu ngụ chung lộn đông đảo” (GĐTTC) của các dân tộc trong một vùng đất có kết cấu dân cư đa chủng mà nổi bật là sự giao lưu văn hóa của hai công đồng “dị chủng đồng văn”: Việt và Hoa.
Kết quả của quá trình đó đã sản sinh ra hiện tượng “đa ngữ”, điều này tác giả Gia Định thành thông chí có ghi nhận là “co những người thông tiếng nói của người Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Tây Dương, Tiêm La và trong giao tiếp hàng ngay lại “thường pha trộn tiếng Tàu, tiếng Cao Miên, bấy giờ ở vùng đất này, theo cách nói đại lược của ông quan Minh Hương Trịnh Hoài Đức thì: “Nhà cửa, khí dụng của các nhà văn vật (hiểu là tầng lớp thương lưu-HNT) đồng như phong tục Trung Hoa; và trong tập tục lễ tiết thì “Các tiết Đoan Dương, Trùng Cửu, Thất Tịch, Trung Thu nhiều chỗ theo chế độ Trung Hoa”. Đây là tình hình phổ biến ở cả 5 trấn của thành Gia Định (xem Phong tục chí, trong sách Gia Định thành thông chí).
Ở Sài Gòn phố thị (hiểu là Chợ Lớn ngày nay) Trịnh Hoài Đức cho biết là đã có đền thơ Quan Thành, miếu thờ Thiên Hậu, thờ Bà Chúa Thai Sanh (của cộng đồng người “Thanh thất phủ”) và ảnh hưởng của tập tục tín ngưởng Hoa đã phổ biến rộng rãi trong các cộng đồng dân cư như là tập quán chung không phân biệt nguồn gốc dân tộc. Bài phú Cổ Gia Định phong cảnh vịnhcũng ghi nhận sự hình thành các dạng thức tín ngưỡng Hoa hồi đầu thế lỷ XIX (thồi điểm sáng tác bài phú này).
Chói chói bấy chùa ông Quan Đế,
Nền chung ngãi cao danh ngàn thuở.
Coi chùa Ông Bổn Đầu công,
Dám quên ngọn rau tấc đất.
Kẻ làm dân khấn vái Bà Chúa Thai Sanh,
Xin mẹ tròn con vuông, chẳng đặng trai thì gái.
Người ki cúc lại Chúa Bà Mã Hậu,
Xin thuận buồm xuôi gió, đi đến chốn về đến nơi.
Như vậy, trong chừng mực nào đó, ảnh hưởng của văn hóa Hoa đã tạo nên một phức thể Minh Hương – hiểu là một dạng thức tổng hợp văn hóa Hoa – Việt, chiếm vị trí thời thượng vào thế kỷ XIX ở xứ Gia Định – trước khi Pháp đánh chiếm vùng đất này và văn hóa phương Tây đã bắt đầu thịnh hành.
Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng
Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương
Câu ca dao trên đã chỉ ra vị trí đầu bảng của phong hóa của người dân làng Minh Hương trong sự lượng giá của công chúng thời ấy. Việc đánh giá như vậy một phần vì tính chất sang trọng thành thị của nó khác với tính chất quê mùa của thôn làng nông thôn nông nghiệp; song mặt khác cũng phải nhận thấy rằng chuẩn mực được dùng để đối chiếu vẫn là phong hóa Việt, phong hóa của làng Việt. Nói cách khách, một cách có phần hiển nhiên làng Minh Hương được coi là điển hình của thôn làng Việt; cụ thể là Minh Hương xã đã chịu ảnh hưởng của mô hình phong hóa và thiết chế văn hóa làng Việt; cơ sở tín ngưỡng chính của cộng đồng Minh Hương là đình làng, đối tượng thờ tự chính là Bổn cảnh Thành hoàng chứ không phải ông Bổn hay Quan Công hoặc Thiên Hậu...và đối tượng phối tự là Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thắng Tài, Trịnh Hoài Đức, Ngô NHơn Tịnh...Các văn thần võ tướng của nhà Nguyễn được thờ tự ở đây biểu thị xu hướng tín ngưỡng rất thuần Việt. Hơn nữa, ở gian tri từ, các đối tượng thờ tự về cơ bản là giống hệt như ở các đình làng Nam bộ.
Đình Minh Hương Gia Thạnh đã biểu hiện sự trội bật của tín ngưỡng Việt trong tâm thức tín ngưỡng – văn hóa của cộng đồng cư dân làng Minh Hương. Các đối tượng thờ tự có nguồn gốc Hoa ở đây chiếm tỉ lệ nhỏ và cũng hầu như cũng đã từng hội nhập vào hệ thống thần linh Việt từ lâu đời: Thổ Địa/Phước Đức Chánh Thần, Mười Hai Mụ Bà/Bà Chúa Thai Sanh, Ngũ Thổ Tôn Thần, Ngũ Cốc Tôn Thần.
Sự Việt hóa đối với đình Minh Hương Gia Thạnh không chỉ biểu hiện ở “điện thờ” của nó mà còn ở các lễ cúng tế hàng năm:
1) Nguyên Đán: Mồng 1 tết, 2) Thủ Nha: (Biện và chức đương niên cúng ra mắt đầu năm của mình): Mồng 2 Tết, 3) Nghinh thần: Mồng 4 Tết, 4) Khai Hạ (Hạ nêu): Mồng 7 Tết, 5) Kỳ yên: 16 tháng Giêng, 6) Tế tri từ: (cúng lễ chung cho những bậc tiền hiền, các hương chức, những người có công với làng, với đình đã quá vãng), 7) Cúng Thanh Minh: Ngày theo lịch cổ trong tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch; Tổ chức cúng ở nghỉa địa Cầu Tre, tại mộ Ngô Nhơn Tịnh; ngày hôm sau, cúng mộ Trịnh Hoài Đức ở Biên Hòa, 8) Vía Bà Ngũ Hành và Bà Chúa Thai Sanh, 9) Đoan Ngọ: 5 tháng năm Âm lịch, 10) Cúng hậu ông Trương Công Sĩ: 29-6 Âm lịch, 11) Kỵ cơm bà Đỗ Thị (vợ ông Sĩ), 12) Hạ ngươn: rằm tháng 10, 13) Đưa thần: 24 tháng Chạp, 14) Cúng rước Ông Bà: 30 tháng Chạp.
Nói chung, ở lịch lễ hội hàng năm trên đây về cơ bản là giống hệt lễ hội của đình làng Việt ở Nam bộ. Điều này đã chỉ rõ thêm mức độ Việt hóa trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng Minh Hương này. Mặt khác, các hình thức nghi lễ ở đây cũng là hình thức nghi lễ phổ biến ở đính, miếu, ở thôn làng Nam bộ. Lễ Kỳ yên cũng là dùng nhạc lễ, cũng có hát chầu (hát bội) ở võ ca; lễ vía các nữ thần (19/3 Âm lịch) cũng được thể hiện bằng hình thứ diễn xướng dân gian hát bóng rỗi: “Có Bống rỗi, Dưng bông, Dưng mâm vàng, cây huệ-giếng nước, thỉnh tiên, múa Nhật Nguyệt, chưng Bát Tiên, Trạng-Nàng, vỡ Địa đưa Tiên, múa đồ chơi...”, tức ở đây cũng tuân theo lề lối của nghi lễ, các hình thức diễn xướng thực hành nghi lễ của cúng Kỳ yên đình, làng, lễ vía các nữ thần ở miễu.
Minh Hương là một làng không chỉ được dân chúng trong vùng coi là “lịch sự” nhất mà năm 1863, vua Tự Đức có ban tặng biển khắc 4 chữ “Thiên tục khả phong” (nay còn treo trước chính điện). Điều này có lý do của nó.
Như chúng ta biết, ở Nam kỳ suốt thời Nguyễn chỉ có một bản hương ước chung có tên là Minh điều hương ước, song trong thực tế không thấy phổ biến trong các thôn làng; và như vậy, Minh Hương xã hương ước khoán văn tập có thể coi là bản hương ước hiếm hoi, nếu không muốn nói Minh Hương xã là làng duy nhất có hương ước ở Nam bộ. Đây là bản hương ước được lập ra vì nhu cầu thực tế ở làng: “Vì thấy trước kia có nhiều điền tệ, làm cho đến nỗi phong tục suy đồi, thật đáng tiếc nên nay mời hết dân trong làng đặng công nghị; dùng lấy phần đông mà lập ra cuốn khoán ước này; điều có định lệ: như có điều nào không tiện thì công nghị sửa đổi ngay” và được “đọc ra cho trên đồng nghe, xóm làng đều biết, muốn cho nên người từ tế thì phải tuân theo hương ước mà làm qui củ” (lời nói đầu, tr.4)
Nội dung của bản hương ước này liên tục được tu chỉnh và bổ sung: 1800, lập ra 5 điều khoản đầu tiên, sau bổ sung các khoảng 6-14; năm 1801, lập thêm 14 khoản (được Trịnh Hoài Đức chuẩn duyệt năm 18221) và năm 1823, lập thêm 6 khoản nữa. Điều này đã chỉ ra, hương ước của Minh Hương xã là những quy định luôn sát hợp với tình hình phát triển của làng này cũng như những hiện tượng văn hóa xã hội mới phát sinh. Cái mốc thời giant u chỉnh và bổ sung cho ta nhiều thông tin liên quan đến tốc độ thay đổi của một làng ở xứ đô hội Sài Gòn xưa. Đó là một khía cạnh, còn nội dung các điều khoản là những tư liệu giúp chúng ta dựng lại bức tranh toàn cảnh của làng Minh Hương thời trước, tìm hiểu về diện mạo và cơ cấu văn hóa Minh Hương, cũng như những vấn đề liên quan đến đất Sài Gòn xưa, đến cộng đồng người Hoa cố cựu nhất ở phương Nam và đặc biệt, bản hương ước này sẽ góp thêm cơ sở khoa học để tham khảo cho việc xây dựng những quy ước làng xã trong điều kiện nay, nhất là những chuẩn tắc chung cho quan hệ giữa dân làng. Chẳng hạn như quan niệm về đạo lý sống chung trong cộng đồng:
“Chúng tôi thường nghe: Muốn quy tụ cho đông đảo thù phải xử sự cho vuống tròn; người đời phải biết xử sự hòa nhã thì mới quý. Đông là nhờ biết quấy mà khuyên lẫn nhau. Hòa là biết lỗi phải sửa mình ngay, ấy là nhờ biết điều vậy. Gần làng xóm phải lấy lễ làm trọng, biết cung kính người chức cao, tuổi lớn. Làm lớn không nên kiêu căng, bậc nhỏ không nên ngang đầu, cứng cổ...biết xét mình, biết thường người mới gọi là thuần phong mỹ tục...”
“Hương ước nghĩ rằng: từ loài cầm thú đến vật nhỏ nhen đều dìu dắt nhau đi, kiếm được mồi kêu nhau chia...huống chi là người có tánh linh hơn muôn vật mà không dùng nghĩa đặng giao thiệp nhau, không dùng nhơn đặng giúp đỡ nhau. Bốn biển đều là an hem, tuy khác ý nhau mà còn có khi giúp đỡ nhau được, há không yêu thương nhau. Cái chủ tâm đó ai ai cũng có vậy nên lập ra cái hương ước này”.
“Phàm chúng ta là người một làng, nếu có Quan, Hôn, Tang, Tế phải gắn sức đồng lòng giúp đỡ nhau, bất luận là có tiền hay không có tiền. Ấy là tùy gia vô hữu, không hại chi mà ngại, đừng phân biệt sang hèn hay giàu nghèo mà nghi kỵ nhau, lám mất chỗ lễ nghĩa đi, còn đây là thuần phong mỹ tục thì có vui vẻ gì. Hãy cố gắng làm theo điều ước này”
“Chúng ta đều con một nhà, chẳng khác nào cây đường cây đệ giao cành nhau thì phải trong nhau, thân thích ruột rà; vinh đồng hưởng, nhục đồng lo. Vì vậy nên trong làng mình bất luận người lớn kẻ nhỏ, hoặc dân trong lòng, hễ có chuyện chi bất bình nhau thì phải cáo minh cho làng biết rõ đặng giải quyết dùm cho, chớ đừng đi làng khác kiện thưa nhau, làm cho nhục nhã mất hết thể thống của làng thì ấy khó dung”.
Nói chung, nếp sống phong hóa của làng Minh Hương được đặt nền tảng trên những châm qui rõ rang bên cạnh những qui định về trách nhiệm, lề lối làm viêc, nguyên tắc thu chi tiền bạc công và sử dụng tài sản của làng, đình, của các chức việc lớn nhỏ khá tường tận. Do vậy, không phải ngẩu nhiên làng Minh Hương đã trở thành chuẩn mực, khuôn mẫu một thời.
Minh Hương xã/làng Minh Hương do đặc điểm riêng của nó mà nổi bật là nó không phải là một làng nông thôn nông nghiệp, lại nằm ở trung tâm xứ đô hội, sát Sài Gòn phố thị - nơi hoạt động công thương nghiệp và dịch vụ phát triển cao, biến động liên tục. Mặt khác, dân cư có phần tứ tán, không cư ngụ tập trung như cố kết dân cư ở các làng thôn nơi thôn dã. Nền tảng cộng đồng của nó đặt nền tảng, trên yếu tố chung về huyết thống, dòng họ và văn hóa. Do đó, sự bảo tồn cộng đồng về sau này, khi làng bị xóa sổ dưới sự cải cách hánh chính của chính quyền thuộc địa, chủ yếu là ở nổ lực duy trì các tập tục văn hóa – tín ngưỡng đã xác lập thành truyền thống. Chính vì vậy, đình Minh Hương – Gia Thạnh là biểu tượng hơn lúc nào hết, cần được bảo quản nghiêm cẩn; đó là nơi trở về khi lớp con cháu muốn “trở về nguồn”, muốn tìm lại quá khứ của tổ tiên. Đó là lý do khiến ngôi đình này được chăm chút, trùng tu nhiều lần và mặc dù sửa chữa lắm bận như vậy, nhưng bên trong của nó vẫn được bảo thủ một cách cố ý những nội dung thờ tự, những hiện vật cổ xưa: các bức đại tự, các câu đối, các bài vị sơn thiếp, các khám thơ...nó vẫn giữ được cái dáng vẻ của ngôi đình Minh Hương. Mặc dù theo thức kiến trúc “nội công ngoại quốc”, nhưng có phần không giống các chùa Ông, chùa Bà vì cái sân thiên tỉnh thay vì ở trước chính điện thì lại đưa ra sau, phía trước có võ ca (để hát bội/hát chầu), ba gian hai chái không khác với kiểu kiến trúc đình làng Nam bộ. Kiểu thức kiến trúc này cùng hòa trộn kiến thức kiến trúc đền miếu Hoa và đình Việt. Nói chung, nó cũng rất là Minh Hương.
Nguồn: Sài Gòn xưa và nay, NXB Trẻ, 2007, tr.147-152 Hội quán của người Hoa tại phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Minh Hương là tên các chúa Nguyễn đặt cho những ngôi làng của người Hoa di cư sang Việt Nam để tỵ nạn nhà Thanh sau khi nhà Minh sụp đổ. Làng Minh Hương lúc đó mang ý nghĩa là “hương hỏa cho triều đại nhà Minh”; đến đời Minh Mạng, Minh Hương chuyển sang ý nghĩa là “quê hương của người Minh” cho phù hợp quan hệ bang giao với nhà Thanh.
Năm Thái Đức thứ 6 (1784) triều Tây Sơn, cộng đồng Minh Hương ở Vĩnh Long Trấn có 53 nhân khẩu, do Trần Tấn Lộc và Trần Thành Công lãnh đạo, việc thuế khóa do thành Gia Định trực tiếp quán xuyến. Năm Gia Long thứ tư (1805) phân xã Minh Hương ở Vĩnh Thanh trấn chính thức ra đời. Ông Liêu Tấn Phụng được cử làm Hương trưởng. Việc thuế khóa vẫn còn lệ thuộc Thành Gia Định.
Năm 1811, ông Liêu Tấn Ngoạn cùng ông Trần Công Thái đệ đơn xin tách phân xã Minh Hương Vĩnh Thanh ra khỏi thành Gia Định và nhập vào trấn Vĩnh Thanh. Làng Minh Hương tồn tại dưới hình thức đặc biệt, không có địa giới hành chánh riêng biệt, người Minh Hương ở xen kẽ với dân cư của làng Việt. Trong giao dịch hành chánh làng Minh Hương quan hệ trực tiếp với trấn, dinh, không qua tổng, phủ. Về sau, các tỉnh quản lý trực tiếp làng Minh Hương. Người Minh Hương có đầy đủ quyền sản xuất, kinh doanh, tạo sắm điền sản hệt người Việt và có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. Đối với cộng đồng Minh Hương họ còn có nghĩa vụ đóng góp theo quy chế riêng của cộng đồng.
Khi làng Minh Hương trở thành đơn vị hành chánh trực thuộc trấn Vĩnh Thanh, ông Lâm Hạc Thanh đứng ra vận động xây dựng Minh Hương Hội quán. Hội quán là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm truyền thống của thương nhân Trung Hoa. Hội quán đồng thời là cơ sở tín ngưỡng. Lúc đầu Minh Hương Hội quán ở Vĩnh Thanh thờ Phước Đức Chánh Thần. Năm 1834, Hội quán chuyển sang thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu là chính, phối tự cùng Phước Đức Chánh Thần và Chúa Sanh Nương Nương.
Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Trương Ngọc Bạch (xã trưởng Minh Hương Vĩnh Long) cho xây dựng võ ca Minh Hương Hội quán. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), bá Hộ Trương Ngọc Lang trùng tu chánh điện Minh Hương Hội quán. Năm 1858, trong chuyến về thăm cố hương Trung Hoa, ông Trương Ngọc Lang thỉnh về ba bộ tượng, tôn trí tại Hội quán.
Khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, xã hội miền Nam có nhiều biến đổi sâu sắc. Cộng đồng Minh Hương cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng ấy. Trong đó, về mặt hành chánh các làng Minh Hương bị xóa sổ, cư dân ở đâu phải nhập hộ khẩu vào địa phương đó. Các Hội quán Minh Hương vì vậy chỉ còn lại chức năng tín ngưỡng thuần túy.
Minh Hương Hội quán hiện nay còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị cổ xưa. Đặc biệt, Hội quán còn có hơn 3.000 trang tư liệu Hán – Nôm, Việt ngữ, Pháp ngữ, ghi nhận mọi mặt đời sống, từ giao dịch hành chánh với trấn Vĩnh Thanh, giao dịch thương mại, mua bán đất đai, tập tục thờ cúng... đến giá cả các loại hàng hóa thông thường, họp hành, bầu bán....
Cũng ở trong di tích, còn tìm thấy nhiều hiện vật liên quan tới các nhân vật lịch sử gốc Minh Hương. Trong số đó có: bảng vàng của vua Thiệu Trị tặng cho bà Liên Thị Tánh danh hiệu “Trinh tiết khả phong”; bảng vàng “Lạc Quyên Nghĩa Môn” vua Khải Định ban cho gia đình ông Trương Ngọc Lang do có nhiều đóng góp về văn hóa xã hội như cải táng mộ cụ Võ Trường Toản từ Gia Định về Bến Tre, góp phần xây dựng Văn Thánh Miếu, Công Thần Miếu, chùa Long Phước....
Cây cầu cổ ở Hội An ra đời vào thời kỳ nào, cho đến nay niên đại xây dựng cầu còn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên trong thư tịch cổ của nước ta, tên gọi của cây cầu cổ đó là Nhật Bản kiều được tìm thấy vào năm 1617, có nghĩa cầu có thể ra đời trước niên đại đó. Tác giả Vũ Đức Tân trong bài viết có tựa đề Hội An đăng trên tạp chí Việt Nam đã viết rằng cầu Nhật Bản (tức Nhật Bản Kiều) đã ra đời vào năm 1593. Một tác giả nước ngoài đã viết trên báo The Asian Wall Street Journal như sau :"Cầu Nhật Bản với những cột vuông, mái cong là công trình của giới kiến trúc mà Nhật Bản quyết định xây dựng năm 1953 để thông thương buôn bán của người Hoa ".
Như vậy, cầu Nhật Bản được xây dựng ở cảng thị Hội An chậm nhất là 1617 như đã được phát hiện trong thư tịch cổ của nước ta.
Ai là người đứng ra xây dựng cây cầu cổ đó ? Người Nhật Bản, người Việt Nam hay người Minh Hương ? Chắc chắn người chủ cây cầu đó không phải là người Việt vì vào thời kỳ đó và các sử quan triều Nguyễn dưới thời Tự Đức (1847 � 1883) cũng chỉ được nghe các thế hệ tiền bối truyền đạt lại, nên mới viết trong Đại Nam nhất thống chí rằng : " Cầu ở xã Cẩm Phô về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói " (1).
Nhà nghiên cứu Pháp Albert Sallet đã cho biết thêm rằng : " Các truyền thuyết còn kể lại rằng một người Nhật Bản tên là Thanh đã xây dựng cây cầu này trên những cột bằng đá với bộ sườn siêu cấu trúc và một mái bằng ngói " (2).
Nếu câu cầu đó của người Việt Nam chúng ta xây dựng trên lãnh thổ của mình thì chắc chắn sử quan triều Nguyễn đã viết về vấn đề này với nội dung khác đi.
Vậy người Minh Hương ở Hội An vào các thế kỷ XVI - XVII có phải là chủ nhân của chiếc cầu mái ngói cổ đó không ?
Theo Quảng Nam Minh Hương Tam Bảo Vụ viết về "Sơ lược lịch sử Minh Hương " ở Hội An thì năm 1644 ở Trung Hoa xảy ra cuộc chiến tranh nhà Thanh bắt đầu lật đổ nhà Minh và những người Hoa trung thành với chế độ cũ đã di tản đến Đàng Trong Đại Việt, tự nguyện gia nhập quốc tịch Việt Nam và xin chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) thành lập làng Minh Hương tại cảng thị Hội An vào năm 1644 cho đến năm 1653 mới ổn định (3). Như vậy, làng Minh Hương ở Hội An đã ra đời sau sự có mặt của Nhật Bản Kiều trước đó ít nhất hơn một phần tư thế kỷ, cho thấy người Minh Hương không thể là chủ nhân của Nhật Bản Kiều được.
Chúng ta nhớ lại rằng vào năm 1633, Mạc Phủ Nhật Bản đã ban bố lệnh đóng cửa không quan hệ giao thương với nước ngoài, Nhật kiều đang sống và buôn bán ở nước ngoài phải hồi hương và chuyến tàu Nhật Bản cuối cùng đã rời bến cảng Hội An vào năm 1637, phố Nhật Bản bắt đầu rơi vào cảnh suy tàn và cầu Nhật Bản được người Việt ở Hội An quản lý. Sau khi làng Minh Hương ra đời và cầu Nhật Bản nằm trên địa phận làng này, nên chúa Nguyễn đã giao cho người Minh Hương nhiệm vụ quản lý và sửa chữa cầu.
Cho mãi đến 1653, Trung Lương Hầu Khổng Thiên Như, là một trong mười vị tiền hiền đầu tiên thành lập làng Minh Hương ở Hội An, đồng thời quan phụ trách Ty Tàu vụ tại đây của chúa Nguyễn mới cùng một số tiền hiền khác bỏ tiền ra xây dựng ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu Nhật Bản ở phía Tây để thờ Bắc Đế Chân Võ Tổ Sư (hay Huyền Thiên Đại Đế) cùng Trừng Hán Cung thờ Quan Công và Minh Hương Phật tự thờ Phật Quan Âm. Sau khi ra đời phức hợp kiến trúc cầu Nhật Bản - chùa Bắc Đế hay Cầu Chùa, danh xưng cầu Nhật Bản dần bị quên lãng và được thay vào đó bằng tên gọi quen thuộc Chùa Cầu. Chùa ra đời sau cầu ít nhất 35 năm. Danh xưng Chùa Cầu đã ra đời ở Hội An sớm nhất là vào năm 1653.
Sau khi quản lý cầu Nhật Bản và dựng thêm ngôi chùa nhỏ bên cạnh, làng Minh Hương đã có công bốn lần trùng tu cây cầu : năm 1763 dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, năm 1817 dưới thời vua Gia Long, năm 1875 dưới thời vua Tự Đức và năm 1917 dưới thời vua Khải Định. Từ lần trùng tu cầu thứ hai trở đi, sự việc đó đều được ghi bằng chữ Hán trên thượng lương và các xà dọc trên mái của cầu mà nay vẫn còn. Trên thượng lương ở đỉnh nóc cầu còn các dòng chữ Hán có nghĩa như sau : " Niên hiệu Gia Long thứ 16 năm Đinh Sửu (1817), tháng Ất Tỵ, ngày Ất Dậu, giờ Kỷ Mão, lý trưởng làng Minh Hương Trương Hoằng Cơ cùng cả làng đã xây dựng lại công trình ".
Cũng chính vào tháng 8 năm Đinh Sửu này (1817), làng Minh Hương đã dựng " Bi ký trùng tu Chùa Cầu " mà đến nay còn gắn trên cầu. Những dòng chữ Hán trên bi ký có đoạn : " Tại phường Minh Hương đô thị Hội An, phân giới với Cẩm Phô có con sông nhỏ, có cầu cổ. Tương truyền do người Nhật Bản làm. Trải từ triều đại trước ban sắc cho tên Lai Viễn Kiều... " (4).
Một câu hỏi đặt ra là tại sao nếu cây cầu cổ đó là do người Minh Hương làm ra thì họ lại không viết rõ điều đó trên bi ký mà cũng viết là " tương truyền do người Nhật Bản làm ra " ? Điều này cho phép khẳng định rằng các sử quan triều Nguyễn đã viết đúng sự thật lịch sử : cây cầu cổ đó do người Nhật Bản làm ra như tên gọi ban đầu của nó là " Nhật Bản Kiều " như đã được ghi lại trong thư tịch cổ nước ta.
Vì sao Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu trong chuyến thị sát cảng thị Hội An năm 1719 nghĩa là sau khi cây cầu ra đời trên một thế kỷ, lại ban cho cầu cái tên Lai Viên Kiều, vì cây cầu vốn đã có tên là Nhật Bản Kiều. Ngoài ra Chúa Nguyễn đã có một tư duy tuyệt vời mới ban cho cây cầu cổ cái tên mang một ý nghĩa hết sức sâu xa là " cây cầu của những người từ phương xa tới " hàm ẩn ý nghĩa những nhà buôn từ các nước đến buôn bán ở Hội An được người Đại Việt Đàng Trong xem như bạn bè và được đón tiếp ân cần với một đường lối mở cửa, giao thương cởi mở.
Nhât Bản Kiều trong kết cấu kiến trúc và trang trí nội thất đã chứa đựng dấu ấn của nền văn hóa Phù Tang ; mái ngói mềm mại với độ dốc thấp, những cột vuông , nền cầu lát vát hình vòng cung ; các hoa văn trang trí hình mặt trời, chiếc quạt xòe... nay không còn nữa ; những Thần Khỉ và Thần Chó thờ ở hai đầu cầu.
Ở cảng thị Hội An ngày xưa cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa có chung một truyền thuyết về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng ở ngoài đại dương có một loài thuỷ quái mà người Việt gọi là Con Cù, người Nhật gọi là Mamazu, người Hoa gọi là Câu Long, đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng của nó vắt qua khe ở Hội An mà Cầu Nhật Bản bắc qua. Mỗi khi con thuỷ quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn buôn bán.
Để khống chế con Mamazu, người Nhật đã thờ các Thần Khỉ và các Thần Chó trên hai đầu cầu để " yểm " con thuỷ quái đó.
Những học giả củaTrường Đại học Showa (Chiêu Hoà) đã đến nghiên cứu ở Hội An tháng 9-1992, tháng 3-1993 và tháng 9-1993 đã trao đổi với Ban Quản lý Di tích Hội An rằng những con thú thờ trên cầu không phải là những con thú bất kỳ mà là những vật linh theo tín ngưỡng vật tổ của người Nhật.
Người ta cũng thấy rằng người Minh Hương lập ngôi chùa nhỏ nằm sát cây cầu cổ để thờ Bắc Đế Chân Võ (hay Huyền Thiên Đại Đế) cũng với mục đích khống chế con Câu Long không gây ra động đất.
Chúng tôi cần nói thêm rằng ở hai bên tường của cổng ra vào ở phía tây và phía đông cầu Nhật Bản ban đầu có hai câu đối chữ Hán đắp nổi, nhưng qua năm tháng bị mờ dần để sau cùng bị mất hẳn và người Minh Hương đã thay vào đó bằng hoa văn đắp nổi hình quả phật thủ lớn.
(Các) nguồn
Nguyễn Phước Tương